Thời điểm giao mùa, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn… và các bệnh lây truyền qua côn trùng như sốt xuất huyết, Zika, viêm não Nhật Bản... có nguy cơ phát sinh, phát triển lây lan thành dịch. Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất, do sức đề kháng còn yếu.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, mạng lưới y tế dự phòng tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, theo dõi, giám sát dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các ổ dịch cũ, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời.
Việc kiện toàn những đội cơ động chống dịch ở các Trung tâm y tế huyện, thành, thị được chú trọng; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, nhằm đáp ứng các tình huống khi xảy ra dịch bệnh.
Cán bộ y tế làm công tác dự phòng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách phát hiện các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng, vận động nhân dân ở các địa phương thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, tạo không gian sinh hoạt thoáng đãng.
Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe được chú trọng bằng việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống dịch bệnh mùa hè và tổ chức nhiều đợt truyền thông lưu động tại các xã, phường trọng điểm.
Công tác tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông, y tế thôn bản được quan tâm; kết hợp truyền thông vận động nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, đảm bảo tốt công tác tiêm chủng mở rộng và tổ chức chiến dịch phun hóa chất tại các vùng trọng điểm, đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, toàn ngành tập trung các hoạt động nhằm tăng cường công tác thanh, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thực phẩm, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, các cơ sở sản xuất nước giải khát, cơ sở thức ăn đường phố...
Để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người dân cần tích cực tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực, nhất là thực hiện tiêm chủng cho con em, bản thân đối với những bệnh có thể phòng được bằng vắc-xin tiêm chủng và thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành Y tế. Khi bản thân và người thân trong gia đình nghi bị bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hạ Thị Tuyết Hưng
(Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).